Bình Định: Hiệu quả mô hình nuôi gà an toàn sinh học hộ gia đình sau lũ lụt

Nhằm khôi phục ngành chăn nuôi sau lũ lụt và đẩy mạnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học đồng bộ trong chăn nuôi, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Tuy Phước triển khai mô hình “Khôi phục chăn nuôi gà an toàn sinh học hộ gia đình sau lũ lụt” tại xã Phước Sơn.

    Huyện Tuy Phước có tổng đàn gia cầm trên 1,5 triệu con, trong đó đàn gà khoảng 1 triệu con, với nhiều phương thức nuôi: nuôi thịt, nuôi trứng thương phẩm và nuôi gia công trứng giống cho các cơ sở ấp trứng trên địa bàn. Cuối năm 2016 và đầu năm 2017 do hứng chịu 5 đợt lũ lớn liên tiếp, ngành chăn nuôi của huyện bị thiệt hại nặng nề, tổng đàn gia cầm bị thiệt hại 455.235 con.

    Mô hình được triển khai có qui mô 4.000 con gà do 10 hộ ở thôn Mỹ Cang thực hiện. Mô hình sử dụng giống gà Minh Dư dòng 2, là giống gà ta do Công ty TNHH giống gia cầm Minh Dư chọn lọc, lai tạo.

    Sau 4 tháng triển khai, Trung tâm Khuyến nông Bình Định và Trạm khuyến nông huyện Tuy Phước đã tổ chức tổng kết mô hình. Kết quả mô hình cho thấy tỷ lệ sống đạt khá cao (97,85%), lượng thức ăn giảm (2,58 kg), gà ít bệnh. Với thời giá hiện tại, trong khi các hộ khác nuôi lỗ hoặc hòa vốn thì mô hình đã cho lãi tuy không cao (2.152.800 đồng/400 con/hộ).

    Mặc dù hiệu quả kinh tế thu lại không cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống, song thông qua việc thực hiện mô hình đã giúp người chăn nuôi cơ bản nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học. Đó là: giảm dịch bệnh cho vật nuôi, giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm chăn nuôi giúp nền chăn nuôi của tỉnh ngày một phát triển bền vững.

    Nguồn: khuyennongvn.gov.vn