Cách tiếm kiệm thức ăn trong chăn nuôi gà

Chi phí thức ăn trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng chiếm từ 60- 70% giá thành sản phẩm. Nếu người chăn nuôi không có kế hoạch và cách quản lý thức ăn hợp lý thì có thể bị mất tới cả tấn thức ăn mà người chăn nuôi không nhận ra.

Sau đây là một số biện pháp tiết kiệm thức ăn trong chăn nuôi gà nhằm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả về kinh tế cho người chăn nuôi:

1. Chọn con giống có tỉ lệ tiêu tốn thức ăn thấp (FCR)

Thông số kĩ thuật về FCR- tỉ lệ tiêu tốn thức ăn trên gà (tính trong điều kiện chăn nuôi tiêu chuẩn) của mỗi giống gà, mỗi một đơn vị nghiên cứu và chọn tạo con giống là khác nhau.

Đối với dòng gà nội địa nước ta, nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật vào công tác giống cũng như tận dụng được ưu thế lai trội nên những đơn vị chăn nuôi và sản xuất gà giống như: gà ta Minh Dư, gà ta Lượng Huệ (gà Ri Hải Phòng) hay gà J-Dabaco… đã cải thiện được đáng kể khả năng hấp thu thức ăn trong khi vẫn đảm bảo tăng trọng và cân nặng. Trung bình để gà các giống gà ri lai này tăng trọng được 1 kg thì chỉ cần một lượng thức ăn là 2,5-2,8 kg thức ăn (trong điều kiện tiêu chuẩn - loại bỏ những yêu tố gây lãng phí).

2. Thay đổi cách cho gà ăn

Thay vì người dân cho gà ăn tự do thì trong những năm gần đây, cho gà thịt ăn có kiểm soát thời gian đã được khuyến cáo vì lý do kinh tế: Ở đây, gà được cho ăn một lượng thức ăn nhất định theo nhu cầu của từng giai đoạn phát triển, số lần cho ăn 4 – 6 lần/ngày để chúng ăn hết thức ăn và sau đó có khoảng thời gian nghỉ 1 giờ hoặc ít hơn.

3. Sử dụng máng ăn hợp lý

Trên thực tế trong nhiều trang trại, đặc biệt theo hình thức nuôi gà thả vườn:  thức ăn cho gà thường được cho ăn qua máng tròn- dẹt hay loại máng dài khoảng 1,5 – 2,0m bằng tấm kim loại hoặc bằng gỗ đặt ngoài trời mà không có mái che.

Những loại máng này chi phí thấp và khá bền nhưng một vấn đề nghiêm trọng là có thể gây ra lãng phí thức ăn. Đối với những loại máng này, thường gà sẽ bước chân vào trong máng làm thức ăn rơi ra ngoài. Bên cạnh đó, tại nhiều trang trại người chăn nuôi còn cho gà ăn bằng cách đổ trực tiếp trên nền đất. 

Đối với những cách cho gà ăn trên người chăn nuôi sẽ trở tay đối phó không kịp với kiểu thời tiết nắng mưa bất thường như của Việt Nam.

Điều này có thể được khắc phục bằng cách thay đổi loại máng ăn khác hoặc làm mái che, bố trí đủ và đều khay máng ăn quanh sân vườn theo mật độ hợp lý.

4. Điều chỉnh lượng thức ăn trong máng:

Nên tránh đổ thức ăn trong máng quá đầy và thức ăn nên duy trì ở mức độ nhất định để giảm thiểu tổn thất và đảm bảo về chất lượng thức ăn cho đàn gà.

Thực tế cho thấy khi sử dụng máng ăn là máng tròn, khay, máng dài (trừ máng ăn tự động)  cho gà mà người chăn nuôi đổ đầy khay, máng sẽ có thể làm thức ăn bị hao phí từ 15-20%; nếu đổ 2/3 máng mức hao phí khoảng 10% còn nếu người chăn nuôi chỉ đổ 1/3-1/2 máng ăn thì hao phí thức ăn chỉ khoảng 1-3%.

5. Cắt mỏ cho gà:

Mỏ dài khi gà ăn mổ phá làm thức ăn rơi vãi xuống nền và lẫn lộn với chất độn chuồng nên gà không thể ăn được. Vì vậy, việc cắt mỏ hợp lý sẻ làm giảm lượng thức ăn rơi vãi khoảng 5% và đồng thời giảm tình trạng cắn mổ nhau trong đàn gà.

Khi thực hiện cắt mỏ gà để hạn chế gây ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn gà ta cần chú ý các vấn đề như: thời điểm cắt mỏ, tuổi, vị trí, kỹ thuật cắt mỏ …

Đối với gà nuôi đẻ: nên chú ý cắt mỏ ở 4 tuần tuổi, cắt lại mỏ ở 18 tuần tuổi và sau đó từ 4 đến 6 tháng cắt lại tùy theo mức độ phát triển của mỏ gà.

Đối với gà nuôi lấy thịt: Nếu nuôi với số lượng hàng ngàn con thì nên cắt mỏ lúc 2 tuần tuổi (vì ở ngày tuổi trước đó, gà được cắt mỏ dễ bị choáng (Stress) và do mỏ còn quá nhỏ nên việc thực hiện khó chính xác). 

Nguồn tin: Hà Linh - TTKN Thanh Hóa