Giống - "chìa khóa" tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm

Công tác giống là giải pháp rất quan trọng để phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững, tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Có nhiều nội dung trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm ở nước ta. Song công tác giống là giải pháp rất quan trọng để phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững, tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

 

Khách quan nhìn lại thì lâu nay chúng ta đã làm được nhiều việc quan trọng về công tác giống gia cầm, đặc biệt là giống gà. Các giống gà bản địa đã được chú trọng tuyển chọn, chọn lọc nâng cao, lai tạo để cung cấp cho chăn nuôi trong nước, phù hợp với từng vùng sinh thái, từng địa phương.

Các trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Chăn nuôi, một số DN đã cung cấp cho SX các giống gà truyền thống như gà ri, Mía, Đông Tảo, H’Mông và tổ hợp lai giữa chúng với gà Lương Phượng (LV), gà VCN-G15, gà TP1,2,3,4, gà Ai Cập, tổ hợp lai giữa trống Sasso, Isa Color với mái LV, gà Ji-Dabaco, gà ta Minh Dư và các nhóm gà lai có năng suất trứng thịt cao, chất lượng thơm ngon.

1. Công tác giống gà lông màu thả vườn, thả đồi

Mặc dù các cơ sở thuộc khối viện, khối DN và tư nhân cung cấp đáp ứng đủ giống cho các đối tượng chăn nuôi gà lông màu (chiếm 50 - 55% tổng đàn gà) với số lượng khoảng 260 - 300 triệu con/năm nhưng chủ yếu là các tổ hợp lai giữa 2 giống địa phương, gà ta Mía x ri, Mía x Lương Phượng, gà ta Minh Dư; các tổ hợp lai BT, TP, LV, Sasso x LV, Isa Color, Ji-Dabaco...

Tuy vậy, thực tế chúng ta chưa tạo ra được một vài bộ giống gà lông màu nuôi thả vườn, thả đồi theo đúng yêu cầu của hệ thống giống 3 - 4 cấp để cung cấp cho các vùng chăn nuôi gà đồi quy mô lớn như Yên Thế (Bắc Giang) và một số vùng ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn…

Các tổ hợp lai sau khi cung cấp cho người SX chỉ để nuôi thương phẩm nhưng một số nông hộ lại sử dụng lại con mái để phối với các trống khác, tự SX giống cho mình và một số hộ xung quanh làm cho năng suất giảm; khả năng kháng bệnh kém đi, chi phí SX lại tăng lên, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của chăn nuôi gà thả vườn, thả đồi ngày càng giảm.

Có lẽ rất hiếm nơi trên thế giới người nông dân chưa hề được đào tạo lại đi làm công tác lai tạo giống để cung cấp ra SX như ở nước ta hiện nay.

Một số năm gần đây, nước ta sử dụng giống nhập từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch khá nhiều. Thực chất đó chủ yếu là giống lai để nuôi thương phẩm, có một lượng nhỏ là giống bố mẹ (tức cũng là đã lai tạo giữa 2 hoặc 3 dòng rồi), nhưng về VN cứ nhân đi, nhân lại, chọn lọc để sử dụng làm giống qua một số năm nữa là không ổn.

Đề nghị giao cho Viện Chăn nuôi phối hợp với một số DN tập trung chọn tạo để có vài bộ giống gà lông màu VN phục vụ chăn nuôi thả vườn, thả đồi. Giai đoạn 2015 - 2020 cố gắng tạo được hệ thống giống 3 cấp (ông bà - bố mẹ - thương phẩm); tiếp tục chọn lọc, nhân thuần để từ năm 2020 trở đi tạo được vài bộ giống gà lông màu phục vụ nuôi thả vườn, thả đồi theo hệ thống hình tháp 4 cấp (cụ kỵ (dòng thuần) - ông bà - bố mẹ - thương phẩm).

Cty TNHH Minh Dư, Bình Định đã thành công trong việc chọn lọc từ một số giống địa phương để lai tạo gà chăn thả thương hiệu Minh Dư với hệ thống giống 3 cấp dang được cả các tỉnh miền Trung ưa chuộng và đang được đưa ra một số tỉnh trung du phía Bắc với giá giống bán cao trên 2 lần các giống gà lông màu đang được nuôi ở miền Bắc.

2. Gà công nghiệp lông trắng

Hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng các giống được chọn tạo qua hàng thập kỷ và hằng năm vẫn được chọn lọc nâng cao bằng các biện pháp di truyền hiện đại. Đó là các giống được hình thành theo hệ thống giống 4 cấp và sản phẩm cuối cùng là gà thương phẩm lai giữa 4 dòng (từ năm 1970 trở về trước chủ yếu là lai giữa 3 dòng).

Các giống gà chuyên thịt nổi tiếng thế giới hiện nay và là gà Ross, AA, Cobb, Hubbard, ISA, Lohmann, Hybro cũng đã và đang được nhập khẩu vào nước ta. Công tác giống của các hãng này hiện đại đến mức tạo ra sản phẩm cuối cùng quá hoàn thiện, khách hàng khắp nơi trên thế giới đều nhập về để nuôi, không thể lai tạo với bất kỳ giống, dòng nào khác.

Điều rất đáng lưu ý là rất ít nước nhập gà bố mẹ, mà nếu có nhập cũng chỉ một số năm đầu, còn sau đó chỉ nhập gà ông bà. Một số nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines có ngành gà công nghiệp phát triển hơn ta một chút hoặc tương tự nhưng không có nước nào nhập gà bố mẹ, họ chỉ nhập gà ông bà.

Tại sao vậy? Bởi vì khi đã không thể nhập được gà cụ kỵ (hãng giống nào cũng phải giữ độc quyền và bí quyết tạo dòng thuần của họ nên không bao giờ bán dòng thuần đủ cả 2 tính biệt trống mái dù bất cứ ai trả giá cực cao.

Con đường tối ưu nhất là nhập gà ông bà (vẫn đủ 4 dòng nhưng chỉ một tính biệt hoặc con trống hay con mái theo sơ đồ tạo giống của hãng) để SX gà bố mẹ trong nước, vừa đỡ tốn ngoại tệ, lại chủ động kế hoạch cấp giống, hạn chế phát sinh thêm dịch bệnh mới do đưa nhiều đàn giống bố mẹ vào. Nên nhớ rằng, 1 mái nền cấp ông bà sẽ tạo ra 40 - 45 mái cấp bố mẹ và giá nhập mái ông bà chỉ cao gấp 10 - 15 lần so với mái bố mẹ.


Gà lai TP1, TP2 của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã được chuyển giao rộng rãi

Nếu ai đó có ý đồ tạo dòng gà mới hoặc tổ hợp lai mới chuyên thịt lông trắng từ nguồn nguyên liệu đàn ông bà nhập về chỉ là suy nghĩ viển vông và phản khoa học.

Từ 2008 trở lại đây, VN đã có 2 cơ sở thường xuyên nhập gà ông bà:

- Cty CP Giống gia cầm Lương Mỹ hằng năm nhập một đàn quy mô khoảng 3.500 - 5.000 mái nền dòng D, chủ yếu giống gà Ross 308 từ hãng AVIAGEN (Hoa Kỳ).

- Cty CP Japfa Comfeed VN mỗi năm nhập 2 đàn, tổng quy mô khoảng 7.000 - 10.000 mái nền dòng D, giống gà Lohmann, cũng từ hãng AVIAGEN (Hoa Kỳ).

Bình quân nước ta mới có khoảng 10.000 mái gà ông bà, đảm bảo SX khoảng 40.000 gà mái bố mẹ, để tạo ra khoảng trên 40 triệu gà lông trắng chuyên thịt cao sản nuôi thương phẩm, chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu giống bố mẹ đối với gà công nghiệp lông trắng.

Nhu cầu giống gà công nghiệp lông trắng ở nước ta khoảng 110 - 120 triệu con/năm. Vài năm gần đây, nước ta vẫn phải nhập 1,4 - 1,6 triệu gà bố mẹ chuyên thịt lông trắng, tốn kém 4,2 - 5,0 triệu USD, trong khi nếu nhập 30.000 gà ông bà, chỉ cần trên 1 triệu USD.

Cần có cơ chế khuyến khích, động viên các Cty nuôi gà thịt công nghiệp lớn như C.P, Emivest và một số DN có điều kiện về địa điểm và cơ sở chuồng trại, ít nhiều có kinh nghiệm làm công tác giống gia cầm để sớm có trại gà giống ông bà với tổng quy mô khoảng 30.000 mái đầu kỳ là đảm bảo đủ nhu cầu con giống bố mẹ; vừa để hạn chế đưa gà bố mẹ từ nước khu vực ASEAN hoặc từ châu lục khác vào VN, biến nước ta mãi mãi là nơi tiêu thụ gà bố mẹ của nước khác.

3. Giống gà công nghiệp lấy trứng

VN có nhược điểm lâu nay trong định hướng phát triển ngành gia cầm là ít khuyến khích và chỉ đạo phát triển chăn nuôi gà lấy trứng. Từ nay đến năm 2020, cần khuyến khích mạnh hơn phát triển nuôi gà công nghiệp lấy trứng vì tiềm năng tiêu thụ trứng còn rất lớn do nước ta mức tiêu thụ trứng còn rất thấp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của nước ta.

Về giống và nhu cầu giống gà nuôi lấy trứng: Lâu nay nước ta đã nhập gà bố mẹ để SX gà thương phẩm nuôi lấy trứng, hầu hết các giống gà trứng cao sản đều có ở nước ta như ISA Brown, Babcok 380, Brown Nick, Neo Brown…(trứng vỏ nâu) và ISA White, Leghorn (trứng vỏ trắng)…

Số lượng giống bố mẹ hằng năm nhập chưa nhiều, chỉ khoảng 120.000 - 150.000 mái. Toàn bộ để SX trứng vỏ nâu, khoảng 3,5 - 3,8 tỷ quả, chiếm khoảng 50% tổng số trứng gia cầm SX.

Từ nay đến năm 2020, ta vẫn chỉ nên nhập gà bố mẹ chuyên trứng như lâu nay, chỉ khi nào nhu cầu gà bố mẹ trứng trên 500.000 bố mẹ (để SX 500 triệu gà trứng thương phẩm, từ đó có 15 tỷ quả trứng gà/năm, gấp trên 4 lần hiện nay thì mới cần tính đến nhập gà ông bà chuyên trứng).

Kiến nghị

- Bộ NN-PTNT cần có các quy định để tăng cường quản lý chất lượng các đàn giống gia súc, gia cầm; đề xuất cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển các đàn giống ông bà trong nước, tiến tới không nhập gà bố mẹ nuôi công nghiệp lấy thịt và có được một vài bộ giống gà lông màu nuôi chăn thả với hệ thống giống 4 cấp kể từ năm 2020 trở đi.

- Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương kiểm tra thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chuẩn kỹ thuật… liên quan tới công tác giống gia súc, gia cầm. Trước mắt là chuẩn bị lộ trình để sau khoảng 2 năm (từ giữa năm 2015 trở đi) quản lý được các cơ sở SX con giống và cấp giấy chứng nhận các sản phẩm giống đưa ra SX. Cần tạo điều kiện cần thiết để Cục Chăn nuôi nhanh chóng nâng cao năng lực quản lý giống vật nuôi.

- Bộ NN-PTNT sớm xem xét, tạo điều kiện và giao nhiệm vụ cho Hội Chăn nuôi VN, Hiệp hội Gia cầm VN tham gia tích cực và có hiệu quả đối với công tác giống gia cầm thông qua các hoạt động giúp Bộ tư vấn, đào tạo, giám định, xác nhận chất lượng giống gia súc, gia cầm các cấp trước khi đưa ra SX.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp