Ở Yên Bái, nhiều thanh niên đang vươn lên làm giàu cho gia đình, quê hương với việc huy động góp vốn từ bạn bè, thành lập doanh nghiệp, hình thành câu lạc bộ hỗ trợ vốn, kinh nghiệm, kỹ năng tái đầu tư cho nhau.
Câu lạc bộ nuôi gà 33 tỷ đồng
Ở thị trấn Trấn Yên (Trấn Yên, Yên Bái) ai cũng biết anh Hoàng Huy Tuấn (SN 1987) là một điển hình tiên tiến làm giàu. Qua giới thiệu, phóng viên tìm đến nhà anh Tuấn không khó vì chỉ cách trung tâm thị trấn vài trăm mét.
Đón phóng viên trong căn nhà nhỏ trên đồi nhưng khang trang với nhiều đồ đạc như tivi, loa đài, bàn ghế mới, anh Tuấn kể, vừa mua đồ từ tiền xuất chuồng khoảng 4 nghìn con gà. Được biết, anh bước vào nghiệp nuôi gà từ năm 2009, sau một thời gian đi lao động nước ngoài. “Hồi nhỏ mình đã đam mê nuôi gà rồi. Cơ bản là mình thấy nuôi gà cho mình cuộc sống thoải mái, tiền đủ tiêu, lo được cho gia đình mà không quá vất vả”, anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, những năm 2009 – 2010, các cơ quan chức năng Việt Nam chặn dòng gà nhập từ Trung Quốc nên gà nội địa có cơ hội phất lên. Hồi đó 80 - 90 nghìn đồng một kg gà thịt nên nuôi 1.000 gà lãi 80 – 90 triệu đồng. Đến bây giờ, anh là “Chủ tịch” của câu lạc bộ những người nuôi gà gồm gần 100 thành viên, trong đó, nhiều người đang tuổi thanh niên, phủ sóng nhiều xã, huyện ở Yên Bái. Năm 2016, cả hội của anh Tuấn xuất ra thị trường khoảng 320 nghìn con gà. “Năm nay sẽ nâng lên khoảng 450 nghìn con”, anh Tuấn nói.
Chăn nuôi gà, theo anh Tuấn, con giống đóng vai trò quan trọng. Anh lấy giống gà có nguồn gốc gà chọi từ Bình Định vì chất lượng thịt tốt và đẹp mã. Trung bình mỗi tháng anh lấy 3 phiên, mỗi phiên khoảng 12 – 15 nghìn con để phân phối cho các anh em trong câu lạc bộ. Anh cũng là đại lý phân phối cám cho cả hội, đồng thời học hỏi các kỹ năng chữa bệnh cho gà. “Hầu như các bệnh về gà mình đã biết hết. Có bệnh mới, biểu hiện mới thì mình lên mạng xem thêm”, anh Tuấn cho hay.
Theo anh, nuôi gà tùy theo thời điểm, nếu “cháy gà” thì khoảng hơn 3 tháng là phục hồi lại thị trường. “Con gà hiện nay giá 60 nghìn một kg và nếu nuôi tốt thì lãi khoảng 30 triệu đồng/1.000 con/lứa. So với lao động nông thôn thì mức thu nhập ấy rất tốt”, anh Tuấn đánh giá. Anh khẳng định, do làm gà có chất lượng, đẹp nên gà của anh và các thành viên trong hội không bị ế bao giờ.
Ngoài việc kết nối về giống, thức ăn, các thành viên trong câu lạc bộ của anh hỗ trợ nhau đổi công chăm sóc gà. Như nhà anh Tuấn thường xuyên nuôi khoảng 5 nghìn con. Việc cho ăn, cho uống có thể tự đảm đương được, nhưng nhỏ thuốc và cắt mỏ thì phải đổi công cho nhau. “Thường có tổ hợp tác giúp nhau. Như ở thị trấn có khoảng chục người luân phiên hỗ trợ cho nhau”, anh Tuấn nói.
Chia sẻ về kỹ năng cắt mỏ gà, anh Tuấn bảo con gà nuôi công nghiệp đòi hỏi phải giữ được bộ lông đẹp. Vì giống gà lai chọi hung dữ nên phải xử lý mỏ, nhưng không được ảnh hưởng đến việc ăn uống của gà. “Nếu không biết làm mỏ thì mỏ xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Làm sao đến lúc bán gà mỏ phải đẹp như nguyên bản. Người tiêu dùng cần cái gì thì mình cố gắng đáp ứng hết cỡ”, anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, để việc chăn nuôi hiệu quả cần một yếu tố nữa là kiểm soát được đầu vào và đầu ra, vì nuôi gà có thể chuyển từ lãi thành lỗ rất nhanh. Chỉ cần đến ngày xuất chuồng mà chưa bán được, mỗi ngày 1 nghìn con gà sẽ ăn vào tiền lãi khoảng 1 triệu đồng. Từ năm 2009, anh Tuấn đã kết nối được với các đầu mối làm giống, thức ăn, thuốc men và nơi tiêu thụ gà. Bây giờ một tháng cũng có mối thu mua được khoảng 35 nghìn con cho anh em trong hội. Anh Tuấn bảo, mỗi thành viên hằng năm cũng kiếm được 200 – 300 triệu đồng.
Nhưng anh em chưa mua nhà, mua xe mà còn tiết kiệm tiền để làm ăn. “Nhiều người từ đầu chỉ dám nuôi 1.000 con thôi nhưng có người dám nuôi đến 1 vạn con. Bây giờ câu lạc bộ cũng có quỹ dự phòng luân chuyển khoảng 30 tỷ đồng để giúp đỡ anh em. Một người trẻ ở nông thôn để đi vay được 200 triệu đồng rất khó, nhưng có quỹ này, thậm chí anh em có thể sử dụng 500 triệu đồng đầu tư bình thường”, anh Tuấn khẳng định.
Anh Phạm Văn Cường (SN 1989) đồng sở hữu trang trại rau an toàn Q&C trên cánh đồng Đại Phác (Văn Yên, Yên Bái).
Ảnh: Trường Phong.
Dấn thân làm trang trại
Q&C là tên của một trang trại trồng rau an toàn hình thành hai năm nay trên cánh đồng xã Đại Phác (Văn Yên, Yên Bái). Thú vị ở chỗ, Q&C là tên viết tắt của hai ông chủ trang trại tên Trần Văn Quân (SN 1990) và Phạm Văn Cường (SN 1989). Tiếp phóng viên trong khu quản lý trang trại, Cường chia sẻ, trước đây vốn theo học về điện tử viễn thông, tuy nhiên, nhận thấy kiến thức với thực tế khác xa nhau quá, không áp dụng được đành chuyển sang học cơ khí.
Làm cơ khí một thời gian, Cường tích được một số vốn kha khá nhưng quanh quẩn cũng chỉ có vậy, không làm lớn được. “Hai anh em bàn nhau quyết định trồng rau. Cũng chưa biết thế nào, tuy nhiên, hai năm qua cũng có sự phát triển, có thăng trầm, lúc lãi, lúc lỗ. Có lúc hai anh em cũng thấy đuối lắm”, Cường nói. Hỏi về lý do làm trang trại trồng rau sạch, Cường bảo, do gắn bó với nông nghiệp quen rồi. Hơn nữa, là người bản địa, thấy cánh đồng màu mỡ, tươi tốt nên quyết định đầu tư và được gia đình ủng hộ.
Cường vừa mở rộng thêm diện tích nhà kính khoảng hơn 7 nghìn mét vuông, còn tổng thể cả khu rộng hơn 3ha. Đợt trước, cứ mùa gì thì trồng thứ nấy, nhưng do hiệu quả kém nên chuyển hẳn sang trồng một số loại dưa. “Làm thế này đỡ mất công mà thu nhập còn khá hơn”, Cường nói. Dẫn phóng viên đi tham quan mô hình, Cường bảo, đất đai ở cánh đồng Đại Phác nổi tiếng màu mỡ. Thời gian vừa qua, có doanh nghiệp dưới Hà Nội lên cũng tính thuê đất mở trang trại nhưng chưa thỏa thuận được với người dân. Tính ra, cả tiền thuê đất của bà con, mua sắm trang thiết bị, đưa vào sử dụng hai năm qua đã ngốn hết khoảng 1,7 tỷ đồng.
“Ban đầu bỏ ra khoảng 600 triệu đồng, sau lên 900. Giờ thành khoảng 1,7 tỷ đồng rồi. Mình cũng huy động thêm mấy anh em góp vốn thêm nữa và chia lợi nhuận theo cổ phần đóng góp”, Cường nói thêm. Cường cho rằng đây là việc làm liều lĩnh vì lĩnh vực nông nghiệp không thể nói trước được điều gì. “Cũng có thể ra đây vài năm, nỗ lực rồi cũng về tay trắng và gánh một số nợ thì phải chấp nhận. Bây giờ cứ làm thôi”, Cường nói.
Đầu tư lớn và sản xuất theo hướng công nghệ cao, Cường đang tính giảm tối đa nhân công. Trước đây có lúc cao điểm tới 15 – 17 người nhưng sắp tới chỉ còn khoảng 5 – 7 người. Hơn nữa, việc đầu tư trang thiết bị công nghệ cao cũng sẽ giảm dịch bệnh, ít phải phun thuốc, đồng thời giảm thiên tai, rủi ro, hạn chế được cỏ dại.
“Mình vẫn đang tìm một số thị trường tiêu thụ sản phẩm và hướng tới các siêu thị, đơn vị lớn”, Cường nói và cho biết trang trại cũng nhờ Viện giống hướng dẫn, kết hợp dạy thêm về kỹ năng canh tác. Đồng thời, Cường và Quân cũng thường xuyên liên hệ qua internet để nhận tư vấn từ các cán bộ khuyến nông, chuyên gia về bổ sung phân bón, tưới nước, phun thuốc để có được sản phẩm an toàn.
“Làm nông nghiệp thì tính từng năm một. Hiện, mình chưa dám nói mạnh vì cả năm vừa rồi thu được khoảng 350 triệu đồng, chủ yếu để đầu tư thêm. Bảo bao giờ gỡ được vốn thì cũng có thể là sang năm hoặc nhiều năm nữa. Thiên tai, rủi ro nhiều cũng chưa dám nói mạnh. Tuy nhiên, năm nay mở rộng diện tích nhà kính và tiếp tục đưa vào canh tác các diện tích còn lại thì doanh thu sẽ tăng cao”, Cường nói.
Nguồn: Tiền Phong