Ông Đời “gà đồi”

Đến thôn Tự Do, xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi, hầu như ai cũng biết đến ông Phùng Minh Đời mà người dân nơi đây quen gọi với biệt danh “Đời gà đồi”, người tiên phong áp dụng mô hình chăn nuôi gà ta thả đồi cho lãi trên 400 triệu đồng mỗi năm.
 

Đến thăm trang trại chăn nuôi gà ta thả đồi của ông Phùng Minh Đời vào một ngày cuối tháng chạp, chúng tôi có dịp trò chuyện và hiểu thêm về người cựu chiến binh có ý chí làm giàu này. Được biết, ông sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo đông con. Đến năm 1981, như bao chàng trai khác, ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ Quốc, đơn vị của ông có nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng xã đảo Bình Yên, huyện Bình Sơn, nay là huyện đảo Lý Sơn. Đến năm 1985, ông được chuyển ngành về công tác tại Phòng Giao thông huyện Sơn Tinh, được 7 năm thì ông được điều động sang làm cán bộ tại Hợp tác xã Vận tải 3 huyện Sơn Tịnh, trong thời gian này, ông đã vay mượn để mua xe tải làm dịch vụ vận tải và trong một biến cố lớn, ông Đời đã phải bán hết tài sản để khắc phục. Nản chí, ông xin nghỉ việc và dùng số tiền còn lại mua mảnh đất và làm căn nhà nhỏ tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh. Năm 1992, ông xin làm thủ kho cho công ty thép Đại Việt ở khu công nghiệp Tịnh Phong. Nhận đồng lương ít ỏi, ông Đời nhận thấy không thể kéo dài mãi tình trạng làm thuê ăn lương này được. Với bản chất người lính cụ Hồ, ông đã tìm hiểu và quyết tâm sẽ xây dựng một trang trại chăn nuôi gà ta thả đồi với hy vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bằng ý chí và nghị lực của người lính, năm 2011, ông Đời bôn ba vay mượn tiền để mua mảnh đồi rộng khoảng 02 ha tại thôn Tự Do, xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi để nuôi gà ta thả đồi. Ông Đời nhớ lại: Khi đó vùng đồi này heo hút lắm, không có đường đi, không có điện, không có nước, mình phải tự mở đường lên núi, tự kéo điện và khoan giếng mới có nước dùng và ông đã trở thành người đầu tiên chăn nuôi gà ta thả đồi tại vùng đất này. Trao đổi với chúng tôi, ông Đời cho biết: Ban đầu mới triển khai chỉ nuôi với số lượng ít và gặp rất nhiều khó khăn, vì khi đó chưa nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi gà, phải tự mày mò học hỏi từ những người chăn nuôi gà trước mình, học trên mạng, qua các chương trình hội thảo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà do Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi tổ chức.Sau một thời gian, hiệu quả chăn nuôi theo mô hình này đem lại khá cao nên ông tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi kiên cố trên diện tích 2ha nhằm tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Theo ông Đời, với đặc điểm dễ nuôi, không mất nhiều chi phí đầu tư, ít tốn công chăm sóc nhưng hiệu quả từ chăn nuôi gà thả vườn đồi rất lớn. Trong quá trình nuôi, gà được chăm sóc, phòng bệnh tốt nên dịch bệnh ít xảy ra, chi phí đầu tư thấp hơn so với nuôi nhốt, thịt gà lại săn chắc, ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên để thành công phản chọn được con giống tốt, ông Đời cho biết:  “Về giống gà là rất quan trọng, thành công hay không là do khâu chọn giống. Chính vì thế, khi bắt đầu triển khai mô hình, gia đình ông đã từng nuôi qua các giống gà Cao Khanh, Phùng Dạo Sơn, Khatoco… nhưng không hiệu quả, cuối cùng anh chọn lấy giống gà của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (Bình Định)”.

Ông Đời đang chăm sóc đàn gà ta thả đồi của gia đình

Hiện nay, mảnh vườn đồi rộng khoảng 2ha của gia đình ông Đời được chia làm 3 khu vực nuôi gà theo từng gian đoạn phát triển với tổng số gà đang nuôi gần 6.000 con gà ta. Lợi thế của mô hình nuôi gà ta thả đồi là tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên là các loại côn trùng và cây cỏ tự nhiên. Ngoài ra, tùy vào từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của gà mà bổ sung thêm thức ăn cho phù hợp như: Khi gà giống 01 ngày tuổi được nhập về, ông Đời nuôi úm trong khu trại riêng và sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp, công tác tiêm phòng trong giai đoạn này đặc biệt được chú trọng. Sau khoảng 30 ngày nuôi, gà được thả ra khu vực đồi dành riêng và sử dụng thức ăn phối trộn theo tỷ lệ 50% cám công nghiệp và 50% bột bắp nấu chín. Sau khoảng 1 tháng nuôi, gà được chuyển sang khu vực đồi nuôi lớn và sử dụng thức ăn phối trộn theo tỷ lệ 30% cám công nghiệp và 70% bột bắp nấu chín. Ông Đời cho biết: “Công tác phòng bệnh cho gà là quan trọng nhất, vì thế mỗi khu nuôi gà tôi đều dùng trấu để làm đệm lót và thường xuyên sử dụng các loại men có nguồn gốc tự nhiên để phân hủy chất thải của gà, đồng thời thường xuyên bổ sung các loại men tiêu hóa, vitamin C… vào thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng và giúp gà tiêu hóa được tốt hơn”. Ngoài ra, ông Đời còn thường xuyên liên hệ với cán bộ thú y thành phố Quảng Ngãi đến tiêm phòng định kỳ và kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chữa bệnh cho gà.

Ông Đời còn cho biết thêm, hiện nay ông đã liên kết với các Công ty cung ứng thức ăn công nghiệp, các cơ sở thu mua và cung ứng bắp trên địa bàn xã Tịnh Ấn Đông để chủ động nguồn thức ăn. Còn việc tiêu thụ hiện nay thì khá ổn định bởi sản phẩm gà ta nuôi thả đồi của gia đình ông có chất lượng thịt rất ngon và giá bán lại không quá cao nên được các dịch vụ đám cưới, bếp ăn tập thể, công nhân các khu công nghiệp Tịnh Phong, Visip và người tiêu dùng ở thành phố Quảng Ngãi…đặt mua nhiều.

Chăn nuôi gà ta theo mô hình thả đồi ở của ông Đời ở xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi không chỉ nhàn hạ, chi phí thấp nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Hiện nay nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tịnh Ấn Đông và các xã lân cận đã học tập và nhân rộng mô hình này.

Bình quân mỗi lứa trang trại chăn nuôi gà ta thả đồi của gia đình ông Đời xuất bán ra thị trường hơn 5.000 con gà, trung bình nuôi khoảng 4 tháng, mỗi con nặng từ 1,9kg - 3 kg, tương đương hơn 12 tấn gà thịt. Với mức giá ổn định 70.000 - 80.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí gia đình ông còn lãi trên 400 triệu đồng/năm.

Nguồn: Mạnh Hùng/khuyennong.quangngai.gov.vn/